Kristy Nguyen's profile

KHÉO ĂN KHÉO NÓI ĐƯỢC LÒNG ĐỒNG NGHIỆP

KHÉO ĂN KHÉO NÓI ĐƯỢC LÒNG ĐỒNG NGHIỆP

Không chỉ dựa trên kiến thức, kỹ năng hay hiệu suất làm việc, khả năng giao tiếp và thái độ còn là một tiêu chí quan trọng để các cấp trên xem xét và đánh giá nhân viên của mình. Vậy giao tiếp như thế nào để được lòng cấp trên và đồng nghiệp?

Trong một hệ thống, giao tiếp tốt là một công cụ thiết yếu để đạt được năng suất và duy trì mối quan hệ làm việc bền chặt, thúc đẩy khả năng làm việc nhóm và tạo nên sự hợp tác tốt hơn. Ngoài ra, đẩy mạnh giao tiếp còn giúp nhân viên có cơ hội để thể hiện bản thân nhiều hơn.

Đối với cá nhân, việc giao tiếp tốt có thể thúc đẩy các mối quan hệ đồng nghiệp, tăng sự thân mật và gắn kết trong tập thể. Quan trọng hơn, một người giao tiếp khéo sẽ có thể gây ấn tượng tốt hơn với cấp trên và khách hàng, có nhiều cơ hội để thăng tiến và mở rộng sự nghiệp hơn. 

Vậy giao tiếp thế nào để được gọi là khéo?
6 CÁCH GIAO TIẾP TẠO THIỆN CẢM TRONG CÔNG VIỆC

1. Ghi nhận sự nỗ lực của người khác

Được trân trọng là một nhu cầu cơ bản của con người. Vì thế đầu tiên và trên hết, hãy ghi nhận sự nỗ lực của người khác, cho dù thành quả của họ không thể đáp ứng những gì được yêu cầu và mong đợi. Việc tập trung vào thành quả và bỏ qua nỗ lực đôi khi khiến người khác cảm thấy không được trân trọng. Nếu bạn trong vai trò cấp trên thì điều này càng quan trọng. Khi sự nỗ lực và thành quả của nhân viên được ghi nhận, sự hài lòng và năng suất của họ tăng lên, giúp họ có động lực để duy trì hoặc cải thiện công việc của mình.
Vì thế, hãy ghi nhận sự nỗ lực của người khác, có thể bằng một lời cảm ơn đơn giản, hoặc cho họ biết bạn đã chú ý thấy họ bỏ ra công sức như thế nào cho sản phẩm của mình. Nếu ở vai trò cấp trên, bạn có thể thể hiện sự ghi nhận thông qua những phần thưởng vật chất như tiền thưởng, giấy khen, thư cảm ơn... Chỉ bằng một hành động đơn giản, nhưng bạn có thể giúp người khác cảm thấy có nhiều động lực làm việc hơn, đồng thời cũng thể hiện rằng bạn là một người có khả năng thấu cảm.

2. Góp ý mang tính xây dựng

Vài người có thói quen chỉ trích người khác và thành quả lao động của họ bằng những lời phán xét, khen chê và tập trung vào vấn đề hiện có hơn là đi tìm giải pháp. Tuy nhiên, điều này cho thấy họ đang hành xử thiếu chuyên nghiệp và còn mang những thiên kiến cá nhân vào việc chung. Thay vào đó, hãy góp ý mang tính xây dựng bằng cách chỉ ra chính xác những điểm tốt và những điểm chưa phù hợp, đồng thời đề xuất giải pháp để mọi người có thể chỉnh sửa một cách tốt hơn. Lưu ý, trước khi nêu ra một khuyết điểm, bạn cần nêu ra một ưu điểm. Điều này cho thấy bạn là người nhìn nhận vấn đề một cách trung dung và vẹn toàn. Đồng thời, hạn chế những từ mang ý nghĩa tuyệt đối, ví dụ thay vì nói “không được”, hãy sử dụng từ “chưa phù hợp”.

Góp ý mang tính xây dựng giúp cho lời nhận xét của bạn trở nên có giá trị, có thể nêu ra được quan điểm của bản thân nhưng không làm mất lòng người khác.

3. Khó khăn luôn phải đi kèm với giải pháp

Như đã đề cập ở trên, khi bạn chỉ ra “lỗi” của người khác, hãy đề xuất thêm giải pháp. Điều này cũng tương tự như khi bạn trình bày vấn đề hoặc thắc mắc của mình, hãy tự đưa ra giải pháp cho nó và hỏi ý kiến của những người xung quanh. Đặc biệt là khi bạn trình bày khó khăn của mình với cấp trên. Điều này cho thấy bạn là một người có trách nhiệm với công việc của mình và linh hoạt trước mọi tình huống, có khả năng tự giải quyết vấn đề và làm việc độc lập.
4. Lắng nghe sự góp ý và học hỏi từ người khác

Cái tôi là một yếu tố quan trọng để thể hiện bản sắc cá nhân. Tuy nhiên hãy biết thể hiện cái tôi mình cho phù hợp, đúng lúc đúng việc. Dù bạn là nhân viên mới hay đã có kinh nghiệm lâu năm, hãy luôn lắng nghe ý kiến đóng góp từ người khác, cho dù ý kiến đó có giúp được bạn hay không. Đừng vội vàng phản bác những góp ý từ mọi người, hãy lắng nghe để thể hiện sự tôn trọng và cẩn thận đối chiếu với bản thân, xem xét những góp ý nào là thiện chí và những điều bạn cần cải thiện. 

5. Trình bày rõ ràng và đúng trọng tâm

Nói dài nói dai lại thành nói dại. Thay vì lan man dông dài với những câu từ sáo rỗng, hãy trình bày vấn đề một cách súc tích, đúng trọng tâm và thể hiện luận điểm cũng như quan điểm rõ ràng. Điều này vừa giúp người nghe nắm bắt chính xác nội dung bạn muốn truyền tải, vừa không làm mất quá nhiều thời gian của đôi bên.

6. Hạn chế tìm hiểu quá sâu vào đời tư của đồng nghiệp

Quan tâm đồng nghiệp là một điều tốt, thế nhưng hãy dừng lại ở những câu chuyện diễn ra ở chỗ làm. Nếu đồng nghiệp không chủ động chia sẻ, thì bạn cũng đừng cố gắng tìm hiểu quá sâu vào cuộc sống của đồng nghiệp. Việc tìm hiểu quá sâu vào đời tư của đồng nghiệp có thể tạo cho họ cảm giác không an toàn, đôi khi còn làm bạn trở nên kém duyên khi bị gắn mác tọc mạch.

Giao tiếp là một chìa khóa quan trọng trong cuộc sống hằng ngày và là một công cụ thiết yếu trong công việc. Hãy để giao tiếp trở thành phương tiện giúp bạn có nhiều cơ hội và mối quan hệ tốt đẹp hơn. 
Nguyễn Phan Hoài Tú
KHÉO ĂN KHÉO NÓI ĐƯỢC LÒNG ĐỒNG NGHIỆP
Published:

KHÉO ĂN KHÉO NÓI ĐƯỢC LÒNG ĐỒNG NGHIỆP

Published:

Creative Fields